Xuất hiện từ sau Thế chiến thứ hai, Tối giản (hay Minimalism) với tư cách là một trào lưu mới mẻ, đã phủ sức ảnh hưởng của mình đến mọi lĩnh vực của nghệ thuật. Ta hay quen gọi là Chủ nghĩa Tối Giản nhưng trên thực tế, Minimalism chưa bao giờ là một "chủ nghĩa" đúng nghĩa.
Nổi bật trước hết ở phong cách hội họa thập niên 1960, rồi "lấn sân" sang âm nhạc vào những thập niên 70, thậm chí là cả lĩnh vực văn học thể nghiệm những năm đầu 1990. Thế nhưng, ở âm nhạc và văn học, nó đã không thành công và nhanh chóng bị lãng quên, người ta không hề nhớ đến Tối giản đã từng có mặt ở hai lĩnh vực này. Bởi nó không thể vượt qua bản nhạc tối giản nhất, bản nhạc dài hơn 4 phút mà không có một nốt nhạc và khi nó tối giản hết mức ở văn chương, thì tự thân nó trở thành một hình thức nghệ thuật thị giác - đây cũng chính là điểm "suy tàn" của nó ở lĩnh vực hội họa khi không thể trụ quá lâu.
Tuy nhiên, Tối giản lại phát triển rực rỡ trong lãnh địa của thời trang, nội thất và kiến trúc. Tại những mảnh đất này, Tối giản không chỉ là một trào lưu, mà trở thành một phong cách, một trường phái hoàn toàn đặc trưng và riêng biệt. Mặc dù, minimalism được sinh ra ở phương tây, nhưng "dáng vẻ" của nó hết sức tương thích với tinh thần của phương đông, đặc biệt gần gũi với Thiền Đạo.
Ở các nước châu Á, Nhật Bản là đất nước ảnh hưởng tinh thần tối giản nhiều hơn cả. Một phần do người phương đông nói chung, và Nhật Bản nói riêng đều khá chú tâm việc bày trí một không gian sống hợp phong thủy. Thêm vào đó, để vươn lên là một quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới mà không có sự ưu đãi của tự nhiên, người Nhật Bản phải chịu áp lực sống cực lớn, và áp lực phải có một cuộc sống đầy đủ cũng khiến cho họ bị lệ thuộc vào vật chất. Vì vậy, người Nhật Bản tìm đến một không gian sống tối giản như một thiền sư, mong tìm kiếm sự cân bằng.
Nhờ vậy, Tối giản không chỉ trở thành một phong cách sống, mà đã trở thành nghệ thuật sống của con người trong đời sống hiện đại.
Lối sống tối giản hết mức này không phải tiêu chuẩn sống của toàn bộ người Nhật nhưng dần phổ biến trong những năm gần đây, như một lối thoát cho kiểu sống vật chất và dư thừa. Với những người chuộng lối sống này, càng đơn giản về vật chất càng tận hưởng được nhiều.
Như đã nói ở trên, đời sống quá áp lực của người Nhật, khiến cho họ cảm thấy rằng việc "ràng buộc tình cảm" với cả những món đồ đạc trong nhà cũng là một gánh nặng. Họ từ bỏ chúng, cũng là từ bỏ những ràng buộc, để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn. Quả thực rằng, Con người trong xã hội hiện đại luôn mong muốn sở hữu càng nhiều vật chất càng tốt mà không cân nhắc đến điều kiện sống của mình, điều đó là hẳn là một nỗi khổ.
Bạn nghĩ rằng, sống tối giản là cứ để nhà cửa trống không mà sống ? Điều này hoàn toàn sai. Sống tối giản là hạn chế những đồ đạc không cần thiết một cách tối đa. Điều tiên quyết, tưởng dễ mà rất khó, chính là vứt bỏ những thứ không-nhất-thiết-phải-có, ví như ở thời buổi hiện nay, người trẻ chúng ta chẳng mấy khi xem TV mà đa phần theo dõi các thông tin, xem các chương trình trên laptop, vậy thì ta có thể bỏ TV. Hay có những khi đi mua sắm, ta mua một đống đồ về nhưng chẳng mặc mấy, lâu lâu mở tủ ra lại phát hiện có một bộ đồ mình chưa mặc bao giờ thì đã mua bộ mới rồi.
Điều này với chính bản thân người Nhật đã khó, huống chi người Việt Nam mình trải qua bao năm tháng chiến tranh, việc tích trữ đồ đạc dường như đã ăn sâu vào tiềm thức mọi thế hệ. Vậy nên, nhiều khi tiếc một món đồ mà mình chẳng nỡ từ bỏ. Nhưng khi nhà cửa cứ bề bộn đồ đạc, là khiến ta vừa stress, lại mệt mỏi khi phải đi dọn dẹp.
Sống tối giản là giảm tải đồ đạc tối đa hết sức có thể, bên cạnh đó, còn tối giản ở việc trang trí nội thất trong nhà. Như việc không sử dụng màu tường, sàn nhà...với những họa tiết, màu mè cầu kỳ, rối rắm. Màu trung tính, dịu nhẹ như sắc trắng, xám, nâu...được đề cao hơn cả. Chúng mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thư thái cho người ở, từ đó mà hạnh phúc hơn biết bao.
Người Nhật bị “ám ảnh” với lối sống tối giản như thế nào?
Một cuộc sống không "phiền phức" với đồ đạc, không "lệ thuộc" vào vật chất, cũng tạo nên một lối suy nghĩ tối giản cho bạn. Trước tiên điều đó sẽ thể hiện bằng cách khi bạn đi mua sắm, bạn sẽ không còn cảm giác muốn "bưng" cả cửa hàng về nhà. Túi tiền không còn bị hao hụt mất kiểm soát như trước nữa.
Người Nhật luôn có suy nghĩ rất ngại khi phải làm phiền bất kỳ ai, kể cả người thân. Ngay cả việc nếu một ngày họ chết đi, họ cũng sẽ gây phiền cho người khác với những thứ đồ đạc của mình. Việc lo ngại về một ngày mình ra đi thực ra không phải điều gì to tát, nhưng từ chi tiết nhỏ nhưng vậy mới tạo nên đức tính biết suy nghĩ cho những người xung quanh. Từ lối sống tối giản, đến lối tư duy tối giản, khi đứng trước những khó khăn, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn, không suy nghĩ rối rắm to tát, không đau khổ suy sụp, hướng đến một cuộc sống tích cực và hạnh phúc hơn.
Cách sống của mỗi người là do mỗi người tự lựa chọn. Tất nhiên, bạn vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc kể cả khi bạn không sống tối giản. Tuy nhiên, Minimalism là lối sống đáng để học hỏi với nghệ thuật sống mang màu sắc tươi sáng của nó.
Để kết thúc bài viết, xin được trích một câu nói nổi tiếng của Lão Tử: " "Làm rỗng chiếc ấm để nó trở nên hữu ích".
Nghệ thuật tối giản- Tác giả: Dominique Loreau là một cuốn sách liên quan tới đề tài này.
ADS by Shopree